Không chỉ trong thế giới của những người chơi đồ cổ, giá trị
đồng tiền và vật chất thường được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn có
những câu chuyện bán mua không chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi mà còn là
chuyện tình người.
Mua trăm bán vạn vẫn không giữ được
Tuy
đã vào cái thế "thất thời", số lượng tài sản không còn bằng một phần
nhỏ so với lúc đang "thịnh" nhưng số cổ vật hiện tại của ông Vũ Tá Hùng
vẫn khiến nhiều người phải thèm muốn. Những chiếc bình, thạp, những đôi
thống, bức bình phong, những chiếc lọ có niên đại hàng trăm cho tới hàng
ngàn năm... giờ muốn thống kê hết cũng phải mất một khoảng thời gian
tương đối.
Trong
câu chuyện về nghề chơi của mình, ông Hùng bày tỏ một sự tiếc nuối lớn
khi không giữ được một số cổ vật đã từng gắn bó với mình, trong đó đặc
biệt là một chiếc bình cắm hoa đời Thành Hoá có niên đại cách đây vào
khoảng 400 - 600 năm. Chiếc bình gắn với những mốc quan trọng trong cuộc
sống gia đình ông, đặc biệt là với cậu con trai đã mất.
Năm
1982 cũng là thời kì làm ăn phát đạt của gia đình ông Hùng, một mình
ông xông pha khắp trong Nam ngoài Bắc, hễ cứ có thông tin về cổ vật ở
nơi nào là ông tìm đến. Không biết tại cái duyên với nghề chơi hay là số
may mắn, dường như ông không gặp trở ngại khi mua đồ.
Cuối
năm 1982, ông vào Sài Gòn gom tiền hàng để chuẩn bị đón tết. Ngày ấy
vẫn chưa có điện thoại, cách thông tin nhanh nhất là đánh điện tín.
Trước khi đi cũng là lúc vợ ông sắp sinh đứa con thứ hai nên ông khá
lưỡng lự không biết nên đi hay ở nhà. Tuy nhiên, vì áp lực tiền hàng,
ông vẫn phải xách túi đi.
Đến
khoảng 25 tết, công việc đã xong, ông đi sắm đồ về làm quà. Ông đi qua
khu vực Tạ Thu Thâu (gần chợ Bến Thành nhìn chếch sang khu vực chuyên
buôn bán đồ cổ ở Sài Gòn lúc bấy giờ) để xem lại hàng hoá một lần cuối.
Biết tin Hùng "Cá" đến, một ông già chừng 70 - 80 tuổi liền mang tới một
cái bình hoa nhỏ và rao bán. Ông cụ nói đây là vật gia bảo của gia
đình, vì túng tiền nên mới buộc phải bán đi. Ông cụ ra giá 300 đồng,
tương đương với 3 chỉ vàng. Sau khi xem xét chiếc bình một hồi, hai bên
thống nhất giá cuối cùng là 250 đồng.
Mua
được chiếc bình hoa xong, ông Hùng vội đi khắp chợ, tìm mua 1 chiếc giỏ
nhựa (lúc đó người Sài Gòn thường dùng đựng rác) để... cất chiếc bình.
Bao nhiêu quần áo mới mua, ông đem ra lót, quấn quanh chiếc bình rồi
nhét vào giỏ, đề phòng sứt vỡ trong quá trình di chuyển. Xong xuôi, ông
ôm chiếc bình, nhảy lên tàu ra Bắc.
Về
đến nơi, ông mới biết vợ sinh con trai. Tết năm ấy nhà ông cùng lúc có
nhiều chữ "hỉ". Bạn bè đến chúc mừng, trong đó có những người bạn của
cha ông, cũng là những tay sừng sỏ trong nghề chơi đồ cổ, ông liền đem
chiếc bình ra khoe. Đó là chiếc bình thời Thành Hoá, dáng như chiếc bình
bắt cua, gọi là bình giỏ dâu, phía trên đắp nổi tích truyện quan Vân
Trường qua 5 cửa ải chém 6 tướng. Phần miệng bình có đắp một vòng tròn
hạt như hạt cườm rất đều đặn, đáy bình có 4 chữ triện hình vuông màu
sô-cô-la đề "Thành Hoá niên tạo". Hoa văn trên bình đều đắp nổi hình vây
cá rất đẹp và mềm mại.
Chiếc bình giỏ dâu đã gắn với những mốc quan trọng trong gia đình ông Hùng "Cá" và là một kiệt tác của gốm sứ thời Thành Hoá.
Biết
là chiếc bình quý, các cụ "gạ" ông Hùng bán với giá 1.500 đồng, tương
đương với một căn nhà mặt phố lúc bấy giờ. Ông Hùng suy nghĩ rồi lưỡng
lự bảo: "Đợi cháu cắm hoa chơi mấy ngày tết cái đã". Ra Giêng, nhiều
người tìm đến ông để hỏi mua chiếc bình, trong đó có một tay chuyên bán
đồ cổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm, có cửa hàng ngay sát nhà hát Múa rối Thăng Long
bây giờ. Ông này trả 10 cây vàng và ông Hùng đồng ý bán. Số tiền này,
ông Hùng đem về làm đầy tháng cho con, tiêu pha thoải mái, mở tiệc mời
khắp bà con bạn bè cũng mới chỉ hết 1 cây vàng, số còn lại xem như là
lộc cho con.
Hơn
1 năm sau, ông Hùng tình cờ đi qua bờ hồ Hoàn Kiếm thì gặp đúng đợt
kiểm tra tài chính, có xe của cơ quan chức năng đang đậu trước cửa hàng
của tay buôn đồ cổ này. Ông đứng lại quan sát và thấy từng món đồ được
đem ra bỏ lên xe, trong đó có chiếc bình. Ông Hùng đứng thần người ra
tiếc: "Nếu mình không bán, có lẽ chiếc bình sẽ vẫn còn. Bị đem vào kho,
lành ít dữ nhiều, dễ bị rơi rớt, đổ vỡ, thế là xong một chiếc bình quý".
Nhưng
chiếc bình quý vẫn chưa hết duyên với ông nên đến khoảng thời gian năm
1996-1997, chiếc bình lại "hoàn về chủ cũ". Số là khi đó, ông đang tham
gia xây dựng công trình tôn tạo ở Văn Miếu thì có một người trong giới
buôn đồ cổ là cậu Mẽ tìm đến bảo muốn bán cho ông một chiếc bình mới mua
được. Cậu Mẽ cho biết chiếc bình được chủ "xin lại" từ trong kho của
Nhà nước rồi đem bán lại.
Nhận
ra chiếc bình cũ của mình, ông Hùng mừng quá, nghĩ bụng giá bây giờ bao
nhiêu cũng mua. Thời điểm này cũng là lúc cậu con trai thứ hai của ông
vừa mới thi đậu vào trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, món quà gắn
với việc đứa con ra đời sau mười mấy năm lại trở về, trở thành một báu
vật trong gia đình. Lần thứ hai, ông Hùng mua được chiếc bình với giá
5.000 USD, số tiền có thể mua được mấy căn nhà trong phố vào thời đó.
Tuy nhiên, về sau có ai trả giá cao đến thế nào, ông Hùng cũng kiên
quyết không bán.
Đến
cuối những năm 90, khi "vật đổi sao dời", việc làm ăn vấp váp, cùng lúc
vợ ông mang trọng bệnh, bao nhiêu của cải trong nhà đều phải bán đi để
lấy tiền chữa trị, ông vẫn cố giữ lại chiếc bình. Tuy nhiên, cuối cùng,
vì nhiều lẽ, ông đã buộc phải bán chiếc bình với giá 11.000 USD. Việc
mua bán thực hiện qua một người môi giới nên sau đó, số phận chiếc bình
thế nào ông hoàn toàn "bặt vô âm tín".
Tuy
phải bán chiếc bình để lấy tiền chữa trị cho vợ nhưng sau đó, vợ ông
vẫn không qua khỏi. Không lâu sau, cậu con trai thứ hai của ông cũng qua
đời vì bệnh tim. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Hùng cười buồn: "Có
lẽ đó cũng là định mệnh rồi. Chiếc bình nhất quyết phải bán đi, người
cũng không thể nào giữ được. Chiếc bình cũng như số phận con người vậy.
Nhiều lận đận, lắm buồn vui".
Một tác phẩm kì công về đồ sứ
Theo
giám định, chiếc bình giỏ dâu được làm ra trong giai đoạn cuối thời nhà
Minh, đầu nhà Thanh, gọi là đồ gốm Thành Hoá- là một trong những đỉnh
cao của gốm sứ Trung Hoa nói riêng và nhân loại nói chung. Để làm được
chiếc bình, người thợ gốm phải tốn rất nhiều công và đòi hỏi kĩ thuật
khá cao.
Cốt
để làm bình được gọi là Bạch đôn tử, là loại đất sét trắng có được
trong quá trình núi lửa phun trào. Trong nhà mỗi gia đình làm gốm lúc
bấy giờ thường xây những chiếc bồn lộ thiên rất lớn. Người thợ đem Bạch
đôn tử đào được về, bỏ vào những bồn này rồi cứ mỗi khi trời mưa lại ra
khuấy đất. Công việc này khá vất vả vì Bạch đôn tử có độ dẻo rất cao,
lại trong một khối lượng lớn thì lại càng khó khăn.
Công
việc này được duy trì trong nhiều năm, từ đời ông, đời cha tới đời con,
tính ra ít nhất cũng phải 60 - 70 năm mới tạm gọi là hoàn tất công đoạn
làm đất. Sở dĩ phải qua công đoạn này bởi trong đất sét vốn có hàm
lượng sắt và các hợp chất rất cao, nếu không loại bớt, trong quá trình
nung sẽ dẫn đến hiện tượng nổ, sùi làm cho chất lượng sản phẩm giảm
thiểu nhiều. Việc khuấy đất là để cho chất sắt và các hợp chất khác theo
nước mưa trôi ra ngoài. Phải mất nhiều thời gian như kể trên thì đất
mới được gọi là chuẩn và chuyển sang công đoạn chế tác sản phẩm. Kì công
như vậy nên việc mỗi gia đình phải có những chiếc bồn cực lớn để dự trữ
đất từ đời này sang đời khác là chuyện đương nhiên.
Hiện
nay, khi công nghệ và khoa học đã có nhiều tiến bộ, can thiệp sâu vào
quá trình làm đất, có máy để hút sắt trong đất nhưng tính về độ hoàn
thiện của Bạch đôn tử thì vẫn khó có thể so sánh với thao tác thủ công
của người xưa.
Một
nét khác biệt khác của đồ gốm thời kì này so với các giai đoạn sau là
việc chế tác men. Thừa hưởng những kĩ thuật làm men đã ở mức hoàn thiện
của thời nhà Minh, đồ Thành Hoá có chất men khá đẹp, màu sắc tươi sáng
và men rất trong, có độ dày và sáng như thuỷ tinh và mịn màng. Cốt làm
bằng Bạch đôn tử cũng tạo độ bám chắc cho màu men qua hàng trăm năm
không bị xây xước và tổn hại. Đa phần màu đều được vẽ trực tiếp lên phần
cốt của bình rồi mới phủ một lớp men lên trên, gọi là màu dưới men.
Khoa
học và kĩ thuật có thể thay đổi được nhiều thứ, nhưng tính về độ kì
công, tỉ mỉ và tâm huyết thì mãi mãi không thể so sánh được với bàn tay
và khối óc của người thợ. Điều này mới chính là thứ quan trọng nhất làm
nên giá trị của mỗi sản phẩm chứ không nằm nhiều ở giá trị thời
gian.
Theo nguoiduatin