BÀI VIẾT MỚI NHẤT

KẾT QUẢ XỔ SỐ BẾN TRE

HOẠT ĐỘNG

Ông Obama và chính sách quốc phòng khôn ngoan

Thận trọng, tránh sa lầy vào các khu vực nhạy cảm, thay đổi đường lối tác chiến, định hình lại đối thủ là chính sách quốc phòng của nước Mỹ khi ông Obama làm tổng thống.
Thận trọng
Có thể nói rằng  đó chính là những nét nổi bật cụm từ chính xác nhất để nhận định về chính sách quốc phòng Mỹ sau nhiệm kỳ đầu tiên của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ông Obama đã cho thế giới thấy một nước Mỹ hoàn toàn khác với chính sách quốc phòng mới.

Ông Obama đã chọn một chính sách quốc phòng khá thận trọng với tình hình thế giới, tránh can thiệp sâu vào các khu vực nhạy cảm.

Điển hình là mức độ can thiệp của Mỹ trong cuộc chiến tại Libya hay với “mùa Xuân Arab", chính quyền Obama tỏ ra rất thận trọng với khu vực nhạy cảm này.

Rút quân khỏi Iraq, hạn chế tối đa việc sử dụng lực lượng mặt đất của ông Obama đã nhận được sự ủng hộ của binh lính và dân chúng  Mỹ.

Khi áp lực chính trị buộc ông Gaddafi từ bỏ quyền lực không thành,Washington mới tính đến giải pháp quân sự với Libya. Trong vấn đề này, phương Tây đã sử dụng một “độc chiêu” khác. Họ khai thác triệt để cỗ máy truyền thông để “nhào nặn” tình hình tại Libya thành một hình ảnh hoàn toàn khác so với thực tế.

Với sức mạnh truyền thông khổng lồ của mình, không mấy khó khăn để phương Tây nhận được “lá phiếu” số 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc để tiến hành không kích Libya. 
Với tình hình tại Syria, nhận thấy sức mạnh quân sự của chính quyền Assad còn rất mạnh, Washington đã không vội vàng “xuống tay” với nhà lãnh đạo này mà âm thầm hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy và chờ đợi thời cơ tốt hơn.

Mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp kêu gọi các hành động quân sự với Syria nhưng Washington vẫn “bình chân như vại” Một đường lối quốc phòng thận trọng đã giúp nước Mỹ tránh sa vào những vết xe đổ trước đây.

Với những tranh chấp chủ quyền biển đảo tại châu  Á - Thái Bình Dương, chính sách quốc phòng của Mỹ tại đây gói gọn trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại diễn đàn ARF năm 2010 tại Hà Nội: “Mỹ có lợi ích quốc gia đối với an ninh và tự do hàng hải tại biển Đông”.

Chính sách quốc phòng của Washington đã quá rõ, nếu các bên tranh chấp không đụng chạm đến “lợi ích quốc gia của Mỹ, họ sẽ đứng ngoài. Việc khẳng định “lợi ích quốc gia” đã phần nào kiềm chế hành động của Bắc Kinh.

Không sa lầy vào các cuộc chiến
Quay lại với chiến dịch không kích Libya, chính sách Mỹ trong cuộc xung đột này cho thấy Washington “không muốn sa lầy vào cuộc chiến”.

Những ngày đầu tiên của chiến dịch Bình minh Odyssey, Washington tham gia với tư cách chỉ huy. Nhưng ngay sau khi phần lớn sự kháng cự của quân đội chính phủ Libya đã bị tiêu diệt, họ lập tức nhường quyền chỉ huy lại cho NATO và chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ.

Trong toàn chiến dịch này, Mỹ chỉ có một chiếc F-15 gặp sự cố và rơi xuống đất, một UAV MQ-8 bị bắn hạ và không có ai hy sinh. Một thắng lợi quá hoàn hảo để kiểm soát quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 4 tại châu Phi.

Một mũi tên trúng hai đích, một mặt lật đổ được chính quyền chống Mỹ, thành lập chính phủ mới thân Mỹ hơn, một mặt giúp Mỹ tránh sa lầy vào các cuộc viễn chinh vô cùng tốn kém cả về tài chính và nhân mạng.

Sự can thiệp của Mỹ vào Libya đơn giản là trợ giúp cho lực lượng nổi dậy lật đổ chính quyền ông Gaddafi. Các vấn đề còn lại để họ tự giải quyết.

Nói cách khác, "bài" của ông Obama là không sử dụng lực lượng mặt đất tại Libya, hoàn toàn khác với các chiến dịch “bao sân” trước đó tại Iraq, Afghanistan.

Điều này đã mang lại kết quả rất khả quan. Có thể gọi đây là thành công của ông Obama.

Chính sách quốc phòng của ông Obama trong nhiệm kỳ đầu tiên gắn liền với những cỗ máy chiến tranh không người lái.
Ngay sau khi lên nắm quyền tại Nhà Trắng, ông Obama đã lên kế hoạch để rút quân khỏi Iraq, điều mà ông đã cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng.

Sau 9 năm có mặt tại Iraq, hơn 4.200 lính Mỹ thiệt mạng, hàng ngàn tỷ USD đã bị thiêu rụi trong những chiến dịch quân sự có thể coi là “vô bổ”.

Ông Obama cũng đã lên kế hoạch để rút khỏi Afghanistan vào năm 2014 nơi mà Quân đội Mỹ đã sa lầy và hứng chịu nhiều tổn thất không kém so với  Iraq.

Giải quyết vấn đề với hai cuộc chiến tại đây là một trong những vần đề bức bách với chính quyền ông Obama. Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Obama đã giải quyết được vấn đề với  Iraq, Afghanistan sẽ là thử thách tiếp theo trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông tại Nhà Trắng.

Định hình lại đối thủ tiềm tàng
Sau sự kiện 11/9, Trung Đông được coi là mối đe dọa lớn đối với an ninh nước Mỹ. Iraq, Iran là hai quốc gia trong khu vực được coi là một trong ba thành viên của “trục ma quỷ”, là những cái gai cần phải nhổ bỏ để đảm bảo an ninh nước Mỹ.

Tuy nhiên, việc nghiêm trọng hóa chủ nghĩa khủng bố, đẩy cuộc chiến chống khủng bố ra khỏi biên giới nước Mỹ là một sai lầm nghiêm trọng.

Sai lầm còn nghiêm trọng hơn khi Mỹ điều động quân viễn chinh đến tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố. Cái giá mà Mỹ phải trả là thâm hụt ngân sách liên bang đang ở mức trầm trọng.


Khi ông Obama bước vào Nhà Trắng, ông đã định hình lại đối thủ tiềm tàng. Rõ ràng, Iran, Triều Tiên không phải là những đối thủ có thể thách thức sự thống trị của Mỹ. Đối thủ có thể thách thức sự thống trị của Mỹ không ai khác chính là Trung Quốc. Trong một thời gian dài theo đuổi chủ nghĩa khủng bố, Mỹ đã bỏ mặc cho Trung Quốc trỗi dậy. Gần như Lầu Năm Góc chưa định hình hết sức mạnh thực sự của nước này. Không phải ngẫu nhiên mà ông Obama dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết: “Đến năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ có 60% lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương. (>> chi tiết) Sự dịch chuyển chiến lược này cho dù được gọi như thế nào đi nữa cũng không ngoài mục đích kiềm tỏa sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Đối với Nga hiện tại không còn là mối đe dọa hiện hữu như thời Liên Xô, ông Obama đã dịch chuyển một phần kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu loại trừ cuộc đối đầu không cần thiết với Nga.
Tinh gọn quân đội
Việc duy trì một lực lượng quân đội lớn dàn trải trên khắp thế giới đã tạo nên nhiều áp lực về ngân sách cho chính quyền ông Obama.  Ở những khu vực như châu Âu thì sự có mặt của lực lượng bộ binh đóng tại đây hoàn toàn không cần thiết.

Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch rút 10.000 quân khỏi châu Âu, chính sách quốc phòng của ông Obama là giảm quy mô lực lượng bộ binh, hạn chế phát triển các phương tiện chiến tranh truyền thống. Thay vào đó là tập trung phát triển các phương tiện chiến tranh công nghệ cao.

Ông Obama ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển các phương tiện bay không người lái, các máy bay tàng hình đủ sức đột phá mạng lưới phòng không hiện đại của đối phương.  Từ khi ông Obama bước vào Nhà Trắng, tần suất sử dụng các UAV cho nhiệm vụ tấn công chống khủng bố tại Yemen, Afghanistan tăng đột biến.

Những UAV tấn công như MQ-9 Reaper, MQ-1 Predator hoàn toàn có thể đảm đương nhiệm vụ tiêu diệt các phần tử khủng bố tại những khu vực xa xôi hẻo lánh, tránh được sự thiệt hại về tính mạng cho binh lính.

Với nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông Obama sẽ tiếp tục theo đuổi việc sử dụng các phương tiện chiến tranh không người lái ở một mức độ cao hơn.

Với Hải quân Mỹ, chương trình phát triển máy bay tấn công không người lái X-47B sẽ cho phép họ duy trì sức mạnh mà không cần sự hiển diện của quá nhiều tàu chiến. Với không quân Mỹ, chương trình phát triển UAV gián điệp RQ-170 Sentinel sẽ tăng cường khả năng giám sát đường không ở một mức độ cao hơn.

Việc tập trung vào phát triển quân đội thông minh đã giúp ông Obama giải quyết bài toán ngân sách trong khi vẫn duy trì được sức mạnh chiến đấu của Quân đội Mỹ. Chính sách quốc phòng ôn hòa đã tránh cho nước Mỹ những tổn thất không cần thiết trong những cuộc chiến vô bổ.

Chính sách quốc phòng của ông Obama tuy không nhận được sự đồng tình của đại đa số nhân vật chủ chốt trong Lầu Năm Góc nhưng bù lại ông được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng Mỹ.

Đó chính là chìa khóa để ông Obama ở lại với Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ 2, nhiều nhà phân tích trên thế giới nhận định, thế giới sẽ bình yên hơn với nhiệm kỳ thứ 2 của ông Obama.

Theo baodatviet.vn