Từ lâu giếng cổ Hội An được biết đến như một quần thể kiến trúc tâm linh
trong đời sống sinh hoạt của người dân Hội An. Những bí mật xung quanh
giếng cổ đến ngày nay vẫn là một ẩn số bí ẩn, đặc biệt người ta không
thể lí giải vì sao nước ở những giếng cổ nơi đây lại mát ngọt quanh năm.
Cũng chính nhờ vị ngon ngọt của nước đã góp phần chế biến nên những món
ăn trở thành đặc sản của địa phương và cũng chính nhờ vậy, nhiều người
đã mưu sinh được với cái nghề sinh ra từ giếng cổ: Nghề gánh nước thuê,
truyền lại từ bao đời nay.
Giếng cổ ở Hội An |
Mưu sinh nhờ nghề gánh nước thuê
Hội
An, trời chập chờn sáng, lấp ló đằng phía con hẻm nhỏ dẫn vào giếng cổ
Bá Lễ có hàng chục người nhốn nháo, tay xách lỉnh kỉnh những can đựng
nước hối hả tiến lại xúm quanh giếng cổ.
Như thường lệ, cứ
độ 4,5 giờ sáng, tại giếng cổ được xem là “nồi cơm” nuôi sống những
người gánh nước thuê này, thường có trên dưới chục người sẵn sàng túc
trực, có người vận chuyển nước bằng xe máy chỉ chở 3 – 4 can, có người
chở nguyên chiếc ba gác thì mỗi lượt có thể “gánh” đến 10 thùng nước,
mỗi thùng dung lượng cũng 20 lít.
Hội An vẫn còn những người bán nước rong ruổi trên đường phố |
Một
người đàn ông da ngăm ngăm, khuôn mặt rạng lên vẻ phấn chấn vì đang chờ
đến lượt mình, đặt nhẹ chiếc thùng đang vắt bên hông, anh quay sang
nói: “Giếng thì nhiều nhưng duy chỉ có nước giếng Bá Lễ là có thể dùng
được chứ những giếng kia “đắp chiếu” hết bởi nguồn nước đã bị ô nhiễm
nặng. Những người gánh nước ở đây quanh đi quẩn lại cũng quen mặt cả nên
không ai tranh giành của ai, cứ đến sớm thì gánh trước, còn đến sau thì
xếp hàng, giành giật chi miếng cơm của người khác mà tội”. Người vừa
bộc bạch với chúng tôi là anh Trần Trung Dẵng (48 tuổi), nhà ở thôn Bến
Trễ, xã Cẩm Hà. Cách giếng cổ tầm 5 cây số, nhưng mỗi ngày đều đặn 10
lượt, anh đạp chiếc ba gác mang theo 7 thùng nước qua đây chở nước về
bán lại cho các nhà hàng khách sạn.
Theo anh Dẵng chia sẻ
thì mỗi ngày trung bình anh chở được 70 thùng nước (20 lít/thùng), mỗi
thùng như thế anh bỏ cho các chủ nhà hàng, khách sạn quen mặt hơn 10 năm
qua với giá 4 nghìn đồng/thùng, như vậy, thu nhập tính ra của anh mỗi
ngày cũng lên đến gần 300 nghìn đồng, số tiền cũng vừa đủ giúp trang
trải chi tiêu của một gia đình ở vùng ven thành phố. Thấy anh thân
thiện, gần gũi, tôi hỏi tiếp: “Vậy có ai giàu lên từ cái nghề này không
anh?”, anh Dẵng chưa kịp hồi âm thì từ phía sau, một cụ già râu tóc bạc
phơ, lọ mọ gánh đôi gàu sắt, phất cái nón, lau quệt những giọt mô hôi
đang chảy ròng theo kẽ tóc, cắt lời: “Nghề này nếu làm giàu được thì
người ta đã tranh nhau làm cả rồi chứ đâu đến lượt mình. Cũng vì miếng
cơm manh áo mà bám trụ chứ giàu gì cái nghề một nắng hai sương, thức
khuya dậy sớm. Chẳng qua cái duyên, cái nghiệp mà số mình gắn với cái
nghề đó chứ. Nhưng cũng phải thừa nhận, nhờ có cái giếng này mà hai vợ
chồng già tụi tôi mới bươn chải nổi cho đến hôm nay”.
Hướng
đôi mắt về phía cụ bà, anh Dẵng tiếp lời: “Bà cụ đó là Nguyễn Thị Mỹ,
mọi người gánh nước ở đây ai cũng biết vợ chồng Đường – Mỹ, hai ông bà
gánh nước ở đây ngót nghét cũng năm mươi năm rồi đó. Hai vợ chồng không
con, từ trước đến nay đều sống dựa vào nguồn thu nhập từ nghề gánh nước ở
đây đem bán, bữa nào khỏe mạnh thì hai người gánh nhiều ăn nhiều, còn
không thì gánh ít ăn ít”.
Cùng có thâm niên hành nghề “kì
cựu” như vợ chồng ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ còn có bà Sương
ông Thanh, những người đã theo cái nghiệp gánh nước thuê từ thời kháng
chiến chống Mỹ cho đến hôm nay vẫn còn gắn bó.
Liệu mai này còn ai gánh nước giếng cổ?
Gánh
nước ở giếng cổ đã có từ hàng thế kỉ nay (trước đây chỉ phục vụ cho
sinh hoạt), nhưng theo như những bậc cao niên nhà sống gần những giếng
cổ bao đời thì cái nghề gánh nước thuê có từ thời chống Pháp, khi những
ông Tây đánh chiếm nước mình khi đến đây đã tỏ ra thích thú với vị nước
trong mát, ngọt thanh của giếng cổ, sau đó thuê người dân lân cận gánh
nước rồi trả thù lao.
“Có lần thằng Tây sau khi đi ngang
ghé vào giếng múc nước uống rồi tấm tắc khen, sau đó hắn tìm người hay
gánh nước ở đây rồi trả thù lao cho người đó mỗi ngày chở cho nó một
thùng đến doanh trại”, ông Ngô Thiểu (90 tuổi, người sống cạnh giếng cổ
Bá Lễ) cho biết.
Và cứ thế cái nghề gánh nước ở giếng cổ
cũng ngày một “thịnh hành”, người làm nghề này ở Hội An mỗi lúc một
đông. Cách đây vài năm, khi đi qua một số tuyến đường trong nội thành
Hội An hay bờ Bắc sông Đế Võng, không khó để bắt gặp những người hành
nghề này mà theo ước tính của anh Dẵng thì ngày đó những giếng có thể
lấy được nước kể ra rất nhiều, do đó người làm nghề này cũng cả trăm
người.
Nhưng khi chúng tôi hỏi: “Vậy sao giờ họ không tiếp
tục hành nghề mà bỏ ngang vậy?”, anh Dẵng tỏ vẻ đăm chiêu, giải thích:
“Ngày trước giếng nhiều nên người làm nghề này cũng đông chứ giờ cô chú
thấy đấy, chỉ còn mỗi giếng Bá Lễ là nước có thể dùng được. Liệu với
“lực lượng lao động” như trước đây thì lấy nước đâu ra mà gánh”.
Nói
xong, người đàn ông năm nay mái tóc đã lấm chấm lên những sợi bạc, đôi
tay chai sần theo cái nghề hơn 10 năm qua gắn bó với mình tiến sát lại
gần chiếc giếng cổ rồi xoa xoa đôi bàn tay lên thành giếng, cúi mặt nhìn
xa xăm như để tỏ lòng tri ân, một sự níu kéo trước nỗi lo chiếc giếng
cổ “độc nhất vô nhị” còn sót lại nuôi sống gia đình ông và hàng chục gia
đình khác nữa sẽ “nối gót” theo những giếng Máy, giếng Ông, để rồi kéo
theo cái nghề gánh nước bao đời nay đứng trước nguy cơ “thất truyền”.
Và
liệu mai này, khi không còn giếng cổ nào có thể lấy nước, có ai biết
đến cái nghề của những người phu nước gắn bó cả cuộc đời mình với giếng
cổ, với những gàu nước trong xanh tô điểm cho vị đậm đà, ngon lành của
các món ăn đặc sản phố Hội?./.
Thanh Ba