Làng Thượng Hội, xã Tân Hội (H.Đan Phượng, Hà Nội) có 3 giếng nước đã tồn tại hàng trăm năm vẫn được bảo tồn và ngày càng trong mát.
Trái ngược với cảnh hiện đại của đường xá, các công trình xây dựng, tại Thượng Hội, cổng chính vào làng vẫn cổ kính uy nghiêm.
Anh Hùng, người gốc Thượng Hội, một doanh nhân thành đạt ngoài Hà Nội
dẫn đường cho chúng tôi không ngớt khoe về nét cổ kính trầm mặc của
làng mình. Anh nói: Đi khắp trong nước, ngoài nước vẫn thấy làng mình
đẹp nhất!
Ba giếng cổ làng Thượng Hội được gọi tên theo vị trí đầu làng, giữa
làng hay cuối làng. Căn cứ vào hình dạng của giếng, các cụ cũng gọi tên
là giếng Vuông, giếng Tròn, giếng Bầu Dục. Trong đó, giếng Bầu Dục ở
cuối làng rộng khoảng 1 sào (360 m2), sâu khoảng 3m, là giếng
cổ nhất trong 3 giếng ở Thượng Hội. Bên bờ giếng, những bậc đá ong và
bụi duối xanh vẫn còn từ hằng trăm năm nay. Người làng gọi đây là “giếng
gương thần”. Bà con truyền tai nhau, đi đâu, về tới làng, soi mình
xuống giếng sẽ thấy lòng khoan khoái, thanh thản.
Giếng giữa làng hình tròn, rộng khoảng 200 m2, nước
xanh ngắt. Sau khi bờ giếng sạt lở, người làng đã góp tiền mua đá xanh
về kè quanh giếng. Giếng Vuông nằm sát cổng làng cũng là giếng rộng
nhất, đẹp nhất, vì nằm trước chùa Thiện Linh nên ngoài tên giếng Vuông,
người làng còn gọi giếng Chùa.
Mặt giếng Vuông rộng hơn 700 m2, bờ giếng có hàng cau, rặng cây nên nơi này còn là chỗ cho khách thập phương dừng chân, trẻ con câu cá, người lớn đánh cờ.
Những chiếc giếng này không còn là nguồn nước sinh hoạt cho dân làng
đã hai chục năm nhưng vẫn âm thầm góp mình vào không gian văn hóa của
đất Thượng Hội đến tận bây giờ.
Cụ Nguyễn Đình Tứ (80 tuổi, ở cụm 11), kể: “Lúc trẻ, chúng tôi thường
gánh nước giếng Chùa về nhà đổ vào chum để dùng. Giếng làng là mắt
làng, cha ông chúng tôi không phải tùy tiện mà đào được giếng, phải được
xem xét cẩn thận, theo phong thủy”. Cụ Tứ bảo, dưới đáy giếng còn có cả
các mạch nước phun lên. Đó là lý do tại sao nước giếng vẫn trong xanh.
“Con cháu Thượng Hội làm ăn thịnh vượng, học hành đỗ đạt nhờ vào
giếng làng đặt ở đất thiêng. Chúng tôi có thể mất đất, mất ruộng, nhưng
giếng làng thì quyết giữ!”, cụ Tứ xúc động.
Người dân Thượng Hội dùng giếng khoan từ năm 1990. Thượng Hội cũng
đang hối hả lắp đặt đường ống chuẩn bị đón nước máy về làng trong tháng 9
này nhưng các giếng cổ trong làng vẫn không ngừng được giữ gìn, bảo vệ.
Một chiếc vợt lưới đặt bên mỗi giếng để ai đó ngang qua thấy lá cây,
túi nilon rơi xuống giếng thì tự vớt. Người ta thả bèo tổ ong, hoa súng
xuống giếng để nước luôn được lọc trong.
Người trong làng cho hay, 2 năm trước Hà Nội thiếu điện, có khi bị
cắt điện một thời gian dài, không bơm được nước giếng khoan, người làng
gánh nước giếng về ăn, thấy cơm canh vẫn ngon, trà pha vẫn thanh mát. Bà
con tự hào nghề làm đậu phụ Thượng Hội nổi danh thuở trước cũng nhờ cả
vào nguồn nước giếng.
Ông Nguyễn Vỹ Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hội cho hay nếu tính cả
thôn Phan Long, Vĩnh Ký, Thúy Hội, xã Tân Hội còn đến 7 giếng cổ. Ông
Hùng cho biết trước thực tế ao hồ, giếng cổ ở các vùng quê đang mất
dần một cách đáng tiếc, sắp tới xã sẽ tiến hành khảo sát, xây kè đá
quanh các bờ giếng cổ để bảo tồn tốt hơn nữa những công trình có ý nghĩa
văn hóa, tâm linh của địa phương.