BÀI VIẾT MỚI NHẤT

KẾT QUẢ XỔ SỐ BẾN TRE

HOẠT ĐỘNG

Mỹ gia cố “chuỗi đảo thứ nhất” để phong tỏa, bao vây Trung Quốc

Chuỗi đảo này có 4 điểm quan trọng: Đầu là Hàn Quốc, đuôi là Philippines, "khóa" là Đài Loan, "trọng tâm" là Nhật Bản.

Biên đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chạy xuyên qua vùng biển Okinawa, Nhật Bản

Tờ “Thanh niên Trung Quốc” gần đây có bài viết cho rằng, “chuỗi đảo” do Mỹ và đồng minh châu Á-Thái Bình Dương hợp sức xây dựng hoàn toàn không phải không thể phá vỡ. Những năm gần đây, Hải quân Trung Quốc tiếp tục tăng cường huấn luyện tầm xa, có ý đồ tích lũy sức mạnh để đột phá sự phong tỏa trong tương lai. 

Cuối tháng 10/2012, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Cecil D. Haney đã bày tỏ thái độ về việc tàu chiến Trung Quốc đi lại ở vùng biển tiếp giáp Okinawa. Ông cho rằng: Trung Quốc cũng có quyền tự do đi lại ở vùng biển quốc tế. 

Nhưng báo Trung Quốc cho rằng, việc thắt chặt “phong tỏa chuỗi đảo” đối với Hải quân Trung Quốc vẫn là chính sách lâu dài của Mỹ. 

Bài báo nhấn mạnh, tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể trở thành cơ hội để Quân đội Trung Quốc chọc thủng “phong tỏa chuỗi đảo”, các hành động của Hải quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương được bình thường hóa, đặt nền tảng cho các hành động quân sự trong tương lai của cụm chiến đấu tàu sân bay Trung Quốc. 

Quân Mỹ tại Hàn Quốc tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng mặt đất, trong đó có trang bị tên lửa chiến thuật ATACMS

Bốn điểm quan trọng quyết định “chuỗi đảo thứ nhất”
Bài báo cho rằng, “chuỗi đảo thứ nhất” được Mỹ xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh có 4 điểm quan trọng: “Đầu chuỗi đảo” là Hàn Quốc, “đuôi chuỗi đảo” là Philippines, “khóa chuỗi đảo” là Đài Loan, “trọng tâm” là Nhật Bản.

Cùng với việc chuyển dịch chiến lược sang hướng Đông, điều vũ khí tiên tiến tới châu Á-Thái Bình Dương đã làm cho Lầu Năm Góc trở nên bận rộn.

Gần đây, quân Mỹ cho biết sẽ xem xét quay trở lại vịnh Subic của Philippines, đồng thời đã mời các quan chức chính trị, quân sự Việt Nam tham quan tàu sân bay, những động thái đó đều đã phản ánh ý đồ tăng cường cho “chuỗi đảo”. 
 
Ngoài ra, để bảo đảm tính hiệu quả của phòng tuyến này, Mỹ còn tăng cường bố trí lực lượng ở Guam - điểm then chốt của “chuỗi đảo thứ hai”, từ tàu ngầm hạt nhân đến máy bay ném bom tàng hình đều tập kết ở hòn đảo chưa đầy hơn 100 km2 này, vị thế của nó tương đương với “Tư lệnh” của “chuỗi đảo thứ nhất”.

Ở góc độ kinh tế, Mỹ coi trọng điều tàu “ý tưởng mới” tới khu vực xung quanh “chuỗi đảo thứ nhất”, cố gắng sử dụng lực lượng tinh nhuệ, nhỏ gọn giám sát các động thái lực lượng chính của Hải quân Trung Quốc, từ đó “đợi địch mệt mỏi để tấn công”. 

Quân Mỹ tích cực "quay trở lại" Philippines, sẽ đồn trú "nửa vĩnh viễn" ở Philippines, trong đó có cảng nước sâu, vịnh Subic - nơi dành cho tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay neo đậu.

Hải quân Mỹ đã xác định triển khai 3 tàu chiến đấu duyên hải (LCS) ở Singapore, loại tàu này mớn nước nông, chức năng nhiều và có tốc độ rất nhanh, bất kỳ nơi nào ở Tây Thái Bình Dương xảy ra sự cố đều có thể tiến hành phản ứng một cách nhanh chóng. 

Tạp chí “Tàu thuyền thế giới” Nhật Bản cho rằng, hoạt động của tàu chiến đấu duyên hải sẽ trải rộng eo biển Malacca, eo biển Miyako, eo biển Bashi, đây là những nơi mà Hải quân Trung Quốc phải đột phá “chuỗi đảo thứ nhất”. 

Trong việc sắp đặt, bố trí của Washington, Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng/then chốt. Những năm gần đây, trọng điểm hợp tác với Nhật Bản của Mỹ được đặt ở “nhất thể hóa quân sự” (hợp nhất quân sự) - đó là hỗ trợ Nhật Bản tổ chức lại thể chế chỉ huy và tác chiến của Lực lượng Phòng vệ, để lực lượng này phục vụ cho nhu cầu tác chiến liên hợp.

Hiện nay, Mỹ đã di dời Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 Lục quân vốn đóng tại căn cứ Fort Lewis, bang Washington, chuyển tới căn cứ Zama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, sau đó sẽ tổ chức lại Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ đóng tại Nhật Bản. Nhật Bản cũng có kế hoạch thành lập đơn vị tương tự và cùng làm việc với quân Mỹ, có thể đặt tên là “Bộ Tư lệnh Chuẩn bị tác chiến Trung tâm”. 

Mỹ-Nhật tăng cường khả năng tác chiến liên hợp

Ngày 26/3/2012, Bộ Chỉ huy Liên hợp của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản và quân Mỹ đóng tại Nhật Bản được thành lập tại căn cứ Yokota ở Tokyo, trụ sở của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng được dời đến căn cứ Yokota. 

Có phân tích cho rằng, tại đó, quân đội hai nước Nhật-Mỹ sẽ cùng nghiên cứu tình hình hoạt động phóng tên lửa và lực lượng máy bay chiến đấu của các nước như Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, đồng thời thực hiện “ứng phó liên hợp”.

Tuy nhiên, báo Trung Quốc nhận định, “chuỗi đảo thứ nhất” cũng có điểm yếu, đó chính là: Cùng với sự hội nhập kinh tế hai bờ và chênh lệch sức mạnh quân sự tăng lớn, chiếc “khóa” đảo Đài Loan đã không còn chắc chắn. 

Đồng thời, với tính cách là “đuôi chuỗi đảo”, sức mạnh quân sự của Philippines rất hạn chế, cho dù có sự hỗ trợ của Mỹ, cũng sẽ không có sự chuyển biến tốt lên rõ rệt. Trong 10 năm tới, cho dù quân Mỹ có quay trở lại vịnh Subic, Philippines, nhưng do Mỹ cắt giảm kinh phí quốc phòng đã trở thành xu thế lớn, nên họ khó đóng góp nhiều cho việc hoàn thiện vai trò phong tỏa của “chuỗi đảo thứ nhất”.

Tốp máy bay vận tải C-130 của quân Mỹ đóng tại căn cứ Yokota, Nhật Bản.

Quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho “vươn ra bên ngoài”
Theo tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ, Hải quân Trung Quốc nỗ lực tăng cường xây dựng khả năng điều động lực lượng trên biển, trên không, trong tương lai sẽ sở hữu 6 tàu vận tải đổ bộ 071 (LPD), đồng thời tàu tấn công đổ bộ mới trang bị máy bay trực thăng (LHA) không lâu nữa cũng sẽ hạ thủy. 

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang tự nghiên cứu chế tạo máy bay vận tải chiến thuật Y-9 và máy bay vận tải hạng nặng Y-20, những máy bay này có thể cải tạo thành các phương tiện tác chiến tầm xa như tiếp dầu, cảnh báo sớm, chỉ huy, trinh sát, tác chiến điện tử, tạo sự yểm hộ cần thiết để Trung Quốc thách thức “chuỗi đảo”.

Gần đây, tàu chiến Trung Quốc liên tiếp tiếp cận đảo Senkaku. Đặc biệt là trong biên đội mới xuất hiện có 2 tàu cứu viện tàu ngầm cỡ lớn, ám chỉ có biên đội tàu ngầm đi cùng, điều này có nghĩa là tàu ngầm Trung Quốc hoạt động có quy luật hơn ở “chuỗi đảo thứ nhất” thậm chí ở Thái Bình Dương.
Tàu cứu viện tàu ngầm lớp Đại Giang, Hải quân Trung Quốc
Có phân tích cho rằng, hành động lần này của Hải quân Trung Quốc có ý đồ “biến nguy cơ thành cơ hội”, từ là thông qua tuyên bố chủ quyền đối với đảo Senkaku, phá vỡ “hàng rào trên biển” trước cửa nhà do Mỹ-Nhật thiết lập.

Cùng với việc hai nước Trung Quốc, Nhật Bản bước vào “thời đại tranh đấu” trong tranh chấp đảo Senkaku, Hải quân Trung Quốc càng có lý do tiến hành huấn luyện, diễn tập ở biển xa một cách thường xuyên, tích lũy kinh nghiệm để chọc thủng “chuỗi đảo thứ nhất” của Mỹ-Nhật.
 
Hải quân Trung Quốc ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động, đã phản ánh sự phát triển sức mạnh quốc gia của họ. Tân Hoa xã từng có bài viết cho rằng: “Cùng với sự thay đổi chiến lược của Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc đang từ lực lượng phòng thủ duyên hải phát triển thành lực lượng phòng thủ biển xa… Quân đội Trung Quốc hy vọng bảo vệ tốt hơn an toàn tuyến đường vận tải và tuyến đường giao thông chủ yếu trên biển xung quanh Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, Hải quân Trung Quốc sẽ phát triển tàu chiến cỡ lớn và xây dựng khả năng toàn diện hơn”. 

Bài báo nhấn mạnh, căn cứ vào “Sách trắng Quốc phòng” được Trung Quốc công bố năm 2008, mục tiêu của Hải quân Trung Quốc là phát triển, việc đưa tàu sân bay vào hoạt động được cho là bước đi cần thiết của nỗ lực này, một khi đạt được mục tiêu, “đột phá chuỗi đảo thứ nhất” sẽ không thành vấn đề. 

Tàu tấn công đổ bộ kiểu mới của Trung Quốc (tưởng tượng)
Tàu tấn công đổ bộ USS America (LHA-6) của Hải quân Mỹ